Vòm Cung Đền thờ Thánh Phêrô - Giáo Hội Ánh sáng Muôn dân Hải đăng Thế giới


Xin chào bình minh sáng ngày Chúa Nhật 18/5/2025 Cộng đồng Dân Chúa,

Hôm nay, Chúa Nhật V Phục Sinh ngày 18/5/2025, Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV đã cử hành (theo giờ ở Roma, lúc 1:00 am California) Lễ Đăng quang của ngài để khai triều, nghĩa là để bắt đầu giáo triều Giáo hoàng Lêô XIV của Ngài với tư cách là "người tôi tớ của các tôi tớ Chúa / servus servorum Dei / servant of the servants of God", trong vai trò kế vị Thánh Phêrô sau Đức cố Giáo hoàng Phanxicô.

Chúa Kitô, Vị Thiên Chúa "đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) từ giòng máu Do Thái (xem Gioan 4:22) với tư cách hay vai trò là Kitô Thiên Sai, nhưng lại mang sứ vụ Cứu Thế (xem Luca 2:11), vì Người mặc lấy bản tính của chung loài người, một loài người đã bị hư đi ngay từ ban đầu bởi nguyên tội nhưng vẫn được LTXC đoái thương hứa ban ơn cứu chuộc cho họ (xem Khởi nguyên 3:15). Cũng thế, như Chúa Giêsu Kitô, dù là Giáo hoàng của nội bộ Dân Tân Ước Kitô hữu Công giáo, nhưng vì Giáo Hội là "lumen gentium / ánh sáng muôn dân" (Hiến chế Tín lý về Giáo Hội do CĐ Chung Vaticanô II ban hành ngày 21/11/1964), Vị Giáo hoàng của Giáo Hội Công giáo đồng thời có thể nói đóng vai Lương tâm của cộng đồng nhân loại.

Thực tế cũng cho thấy như vậy, ở chỗ, Giáo Hội nguyên thủy và chân truyền nơi vai trò Giáo hoàng "thừa kế Thánh Phêrô" cho tới nay không phải chỉ thuần túy tôn giáo như là một Cộng đồng Dân Chúa, Cộng đồng Đức tin, Cộng đồng môn đệ Chúa Kitô, mà còn là một tổ chức dân sự, một Quốc đô Vatican / Vatican City State, có chân trong Liên Hiệp quốc với tư cách cố vấn, và có bang giao với 184 quốc gia trên thế giới, số quốc gia tự ý muốn thiết lập bang giao với Quốc Đô Vatican. Trong khi các vị lãnh đạo trên thế giới đến triều kiến Vị Giáo hoàng Roma thì vị Giáo Hoàng Roma ở từng chuyến tông du khắp thế giới của mình cũng đến gặp gỡ riêng vị lãnh đạo chính trị của từng nước và chung chính phủ của nước này.

Khi còn đóng vai trò là Bề trên Tổng quyền Dòng Augustino (2001-2013), vị tân Giáo hoàng Lêô XIV đã có kinh nghiệm "tông du" sau này khi ngài đã đến viếng thăm anh em tu sĩ Dòng của ngài ở 10 quốc gia khác nhau. Bởi thế, trong vai trò làm Giáo hoàng, ngài chắc chắn sẽ tiếp tục các chuyến tông du của các vị tiền nhiệm, như chính ngài xác nhận và báo trước trong buổi gặp gỡ ngoại giao đoàn với Quốc đô Vatican hôm Thứ Sáu 16/5/2025 mới đây, ở chỗ Chúa sẽ ban cho ngài nhiều cơ hội hơn nữa để viếng thăm các nước, đón nhận những cơ hội trong tương lai để củng cố đức tin của rất nhiều anh chị em rải rác khắp thế giới và xây dựng những cây cầu mới với tất cả mọi người thiện chí.

Trong chuyến Hành Hương Đại Năm Thánh 2000 với 175 anh chị em trong Cộng đồng Dân Chúa ở Hoa Kỳ do Nguyệt san Dân Chúa Mỹ Châu tổ chức, gia đình chúng em đã lên tới Vòm cung chóp đỉnh (dome) của Đền Thờ Thánh Phêrô, không ngờ 25 năm sau, cũng vào Năm Thánh, Năm Thánh 2025, với tuổi già sức yếu, chúng em vẫn cố gắng để lên cho tới Vòm cung chóp đỉnh này một lần nữa để chiêm ngắm chẳng những Giáo đô Vatican mà còn cả Thủ đô Roma bao quanh Giáo đô VaticanỞ trên vòm cung chóp đỉnh của Đền Thờ Thánh Phêrô này em cảm thấy Giáo Hội Công Giáo như là một ngọn hải đăng của thế giới, cũng như Quảng trường Thánh Phêrô ở bên dưới là một vòng tay ôm toàn thể nhân loại vậy.

Đó là lý do, nhân dịp Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV long trọng cử hành Lễ Đăng quang Giáo hoàng hôm nay, Chúa Nhật V Phục Sinh 18/5/2025, để khai triều giáo hoàng của ngài theo linh đạo hiệp thông hiệp nhất của Thánh Au Quốc Tinh, người viết này mới phổ biến bộ video clips mà người viết đã quay được từ hôm Thứ Bảy mùng 3/5/2025 cho có ý nghĩa hơn. Ý nghĩa ở chỗ Giáo Hội, vì "là ánh sáng muôn dân - Lumen gentium" mà Giáo Hội chính là ngọn hải đăng của thế giới, ở giữa thế giới, ở với thế giới và đồng hành với thế giới, với tư cách là "GIÁO HỘI HIỆN THẾ", như Công đồng Chung Vaticanô II đã cảm nhận và tuyên bố ngay những lời mở đầu của Hiến chế về Mục vụ của Giáo Hội "Gaudium et spes - Vui mừng và hy vọng":

"Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitôvà không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng của các môn đệ Chúa Kitô. Thực vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được qui tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận tin mừng cứu rỗi đem tới cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhận thấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại".

TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh

 

Lên Vòm cung Đền Thờ Thánh Phêrô




1. Tiến vào Quảng trường Thánh Phêrô
https://youtu.be/Mv1dWDsGkDc





2. Bên trong Quảng trường nhìn lên Vòm cung Đền thờ và ghé vào đúng chỗ để mua vé
(có hai giá vé: vé 10 Euro thì leo hết 551 bậc, còn vé 15 Euro thì leo 320 bậc sau đoạn thang máy bớt được 221 bậc - hầu như ai cũng đi thang máy)   
https://youtu.be/mA1UY80cR9k




3. Từ nội đỉnh của Đền thờ nhìn xuống lòng Đền thờ thấy khách hành hương nhỏ bé li ti
https://youtu.be/O1qHpzEtX1I



4. Leo dốc thêm 320/551 bậc thang nữa mới tới vòm cung, sau khi đi thang máy với giá vé cao hơn để bớt được 221 bậc.
https://youtu.be/Z-6pnMEIIj8


5. Ngắm nhìn Giáo đô Vatican từ Vòm cung Đền thờ Thánh Phêrô
https://youtu.be/C1Ey5GTRDQU

6. Có thể ngắm nhìn Thành Rôma từ Vòm cung của Đền Thờ Thánh Phêrô
https://youtu.be/kpWeHjyJcmg